Trong 6 tháng, Jinko Sola đã đầu tư 2 dự án vào Khu công nghiệp Sông Khoai, với tổng vốn hơn 865 triệu USD.
Quảng Ninh là địa phương liên tục đạt tăng trưởng cao, ổn định và luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%; thu ngân sách nội địa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 7.000 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.
Nhiều dư địa để thu hút đầu tư
Với hệ thống 16 khu công nghiệp (KCN), 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu và 2 KKT ven biển có tổng diện tích 377.670ha, được phân bố tại 11/13 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chính là dư địa mà tỉnh Quảng Ninh mong muốn kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.
Ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và được các nhà đầu tư ngoại để ý đến. Đầu tiên phải kể đến là Tập đoàn Texhong với 2 dự án đầu tư có tổng vốn trên 500 triệu USD là Nhà máy sản xuất sợi Texhong Ngân Long (giai đoạn I) tại KCN Hải Yên (TP. Móng Cái) và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn I) tại xã Quảng Điền, huyện Hải Hà. Hiện tại, đã có 11 dự án của nhà đầu tư thứ cấp đang được triển khai tại KCN Texhong Hải Hà, với tổng số vốn đầu tư được đăng ký trên 727 triệu USD.
Tháng 3/2018, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai, có quy mô 714 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 155,5 triệu USD cho Tập đoàn Amata (Thái Lan).
2 dự án hạ tầng gồm KCN Nam Tiền Phong 369,8 ha và KCN Bắc Tiền Phong 1.192,9 ha (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc, nằm trong KKT Quảng Yên) cũng được Nhà đầu tư KCN DEEP C đến từ Bỉ cùng các đối tác đầu tư.
Mới đây nhất, Tập đoàn Amata cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản (Tập đoàn Marubeni) và Hàn Quốc (Tập đoàn GS E&C) làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để phát triển quỹ đất công nghiệp, xây dựng 2 KCN trong phạm vi Khu phức hợp đô thị công nghiệp công nghệ cao thuộc KKT ven biển Quảng Yên, với tổng diện tích 2 KCN là 1.400 ha, nhằm thu hút nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, cho thấy sức hút đối với dòng vốn FDI của Quảng Ninh ngày càng tăng.
Khởi công, khởi động nhiều dự án
Việc các KCN được phát triển bởi những nhà đầu tư hạ tầng uy tín đã góp phần giúp Quảng Ninh thu hút được nhiều dự án thứ cấp chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Quảng Ninh vẫn đạt được những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư.
Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, với sự hỗ trợ, cam kết của các lãnh đạo tỉnh, cùng sự vào cuộc tích cực từ các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh đầu tư 2 dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại KCN Sông Khoai.
Dự án thứ nhất có tên gọi Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD (dự án khởi động ngày 31/3/2021). Thứ hai là Dự án Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD (trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án ngày 19/9). Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn Quảng Ninh từ trước đến nay, sẽ tạo ra những cú huých phát triển mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh.
Vừa qua, Quảng Ninh khởi công 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 285 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại thành phố Cẩm Phả; Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) tại thành phố Móng Cái; và Sân golf Đông Triều tại thị xã Đông Triều.
Các dự án được đồng loạt khởi công, khởi động khẳng định nỗ lực của tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hướng tới các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận thu hút 8 dự án đầu tư FDI mới và điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,076 tỷ USD, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2021, thu hút FDI cấp mới và điều chỉnh trên địa bàn sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cả năm 2020 (589 triệu USD).
Đáng chú ý, các dự án FDI thu hút mới trong 9 tháng qua đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - phù hợp với định hướng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút mà Nghị quyết 01 của Đảng bộ tỉnh đặt ra.
Quảng Ninh đẩy mạnh việc hình thành chuỗi các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, điện và sản xuất công nghiệp dệt may.
Tăng cường chất lượng thu hút đầu tư
Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu phát triển, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh;” đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa.
Trong số đó, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt 3-4,5 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đến năm 2030 tăng 100% so với năm 2018.
Để đạt được những mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền.